Nuôi dong ở Khu Lê Hồng Phong. (ảnh: N.Lân) |
Tại buổi hội thảo mô hình “Nuôi dông trên đất cát” ở Bắc Bình do Trung tâm SEDEC Bình Thuận vừa tổ chức, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Bình đã nhận định về tình hình nuôi dông trên địa bàn huyện năm 2008. Theo đánh giá, những năm trước đây người dân bắt con dông vùng đất cát Khu Lê không chỉ để ăn mà còn để bán, nên con dông ngày càng có khả năng bị tuyệt chủng.
Từ đó, nhiều nông dân trong vùng đã chú ý đến việc thu gom và nhân giống, để tổ chức nuôi dông nhân tạo, nhằm tạo thêm nghề mới cho thu nhập ở vùng đất nổi tiếng nghèo khó này. Tính đến thời điểm này, diện tích nuôi dông trên toàn huyện đã phát triển gần 25ha, tăng thêm 11ha so với năm 2007, trong đó nhiều nhất ở các xã Hồng Phong 5 ha, Hòa Thắng 5,5 ha, thị trấn Lương Sơn 5 ha, Sông Lũy 0,7 ha, Hồng Thái 2,5 ha và các xã khác chiếm diện tích gần 6 ha.
So các địa phương khác trong toàn huyện, vùng đất khu Lê là nơi rất phù hợp để nuôi và phát triển con dông. Dông ở vùng này luôn phát triển nhanh và thịt ngon hơn dông được sinh trưởng, phát triển ở các vùng khác. Nhắc đến Khu Lê người ta nghĩ ngay đến đặc sản con dông.
Tuy nhiên người nuôi dông ở đây vẫn còn nhỏ lẻ, mật độ nuôi thấp từ 1-4 con/m2 và chỉ tăng theo điều kiện mặt bằng của hộ gia đình. Bởi việc nuôi dông ở đây chủ yếu do kinh nghiệm được truyền từ người này sang người khác. Để giúp đồng bào Khu Lê tăng nhanh thu nhập từ con dông đặc sản này (còn gọi là rồng đất), đầu năm 2007 Trung tâm SEDEC Bình Thuận đã vào cuộc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, và mở rộng nuôi dông ở các địa bàn phù hợp khác trên địa phận Bắc Bình. Từ đó người nuôi dông ở đây đã phát triển mạnh nuôi dông thương phẩm và dông giống ngày càng thuận lợi, mang lại hiệu quả cao hơn. Một số hộ nuôi dông ở Bắc Bình làm ăn khấm khá cho biết, do con dông tương đối dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá thành lại cao (từ 280.000 – 300.000đ/kg), nên bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, người nuôi dông cũng gặp không ít khó khăn như vốn đầu tư để xây dựng chuồng trại ban đầu khá cao, do đó nhiều hộ ở vùng này khi muốn phát triển nghề nuôi dông, lại không đủ kinh phí để thực hiện.
Bên cạnh đó, việc khan hiếm con giống và đầu ra không ổn định cũng là một trong những nguyên nhân, khiến người nuôi dông ở nhiều địa phương của huyện Bắc Bình phải lo lắng. Để nghề nuôi dông có thể phát huy được thế mạnh và tiềm năng, những hộ nuôi dông ở Khu Lê đều mong muốn ngân hàng tạo điều kiện trong vay vốn hơn nữa, để nông dân đầu tư cho mô hình. Tổ chức tập huấn chuyên đề kỹ thuật nuôi dông, nhất là cách phòng tránh các loại dịch bệnh.
Ông Đinh Văn Ngự, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hiện nay các địa phương đã bắt đầu triển khai thành lập các câu lạc bộ nuôi dông, mục đích để nông dân có điều kiện hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giá cả và tìm thị trường tiêu thụ. Muốn xã hội hóa nghề nuôi dông trong huyện, các tổ chức, cá nhân cần đầu tư, hợp tác một cách chuyên nghiệp hơn, với quy mô phù hợp, trong đó chú trọng xây dựng thương hiệu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét