Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

đặc sản bình thuận

Cua hoàng đế Ranina ranina (Linnaeus, 1758) là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao nhờ thịt thơm ngon, hàm lượng chất béo và cholesterol thấp, hàm lượng các axit omega cao, dồi dào về khoáng vi lượng và các vitamin.

Ở Việt Nam, từ lâu cua hoàng đế đã được biết đến như một đặc sản của biển. Loài cua này phân bố chủ yếu ở vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Tam Quan, Quy Nhơn (Bình Định), Cam Ranh, Nha Trang (Khánh Hòa). Những năm gần đây, cua hoàng đế thương phẩm ở thị trường trong nước có giá khoảng 200.000 – 400.000 đồng/kg tùy theo kích thước và chất lượng.
Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường ngày càng tăng nên cua hoàng đế bị khai thác quá mức, sản lượng và nguồn lợi đang có chiều hướng suy giảm. Năm 2009, cua hoàng đế đã được đưa vào chương trình bảo tồn nguồn gen thủy sản nước lợ, mặn quý hiếm của nước ta và đã được nuôi thuần dưỡng thành công trong điều kiện nhân tạo.
Để tạo cơ sở khoa học nghiên cứu công nghệ sinh sản nhân tạo cua hoàng đế, phục vụ tái tạo nguồn lợi và duy trì đa dạng sinh học, đầu năm 2010, nhiệm vụ Qũy gen nước lợ, mặn đã tiến hành nghiên cứu “Nuôi vỗ và thăm dò khả năng sinh sản nhân tạo cua hoàng đế” tại Trung tâm Quốc gia giống Hải sản miền Trung, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (RIA3).
Kết quả nghiên cứu cho thấy cua hoàng đế có thể nuôi vỗ thành thục và đẻ trứng trong điều kiện nhân tạo. Sau khi đẻ, trứng cua hoàng đế có màu vàng nhạt sau đó chuyển dần sang màu cam, màu cam đậm, nâu nhạt và nâu đậm.
Ở nhiệt độ nước 26,7 – 28,50C, thời gian ấp trứng cua hoàng đế kéo dài từ 19 – 21 ngày. Quá trình phát triển phôi trải qua 5 giai đoạn là giai đoạn phôi nang, phôi vị, điểm mắt, xuất hiện sắc tố và xuất hiện nhịp tim.
Đến giữa tháng 6/2010, ương nuôi ấu trùng cua hoàng đế đã đạt đến giai đoạn zoae 7. Thời gian phát triển và một số đặc điểm hình thái ngoài của từng giai đoạn zoae đã được ghi nhận và mô tả khá đầy đủ. Hiện nay, việc ương nuôi các giai đoạn tiếp theo của quá trình phát triển ấu trùng cua hoàng đế vẫn đang được tiếp tục thực hiện. 


Những món ăn đặc sản ở Bình Thuận

Nói không ngoa: có lẽ cả nước, nhất là dân Sài Gòn sành ăn ngày trước khi nói tới Phan Thiết là nhắc nhớ ngay tiệm cơm Hai Mọi nổi tiếng ở phường Đức Nghĩa. Chủ tiệm có cái tên gọi bình dân ấy trạc tuổi trung niên, đầu búi tó, thường chơi môn đá gà.
Món ăn đặc sản của Bình Thuận không phải là món ăn sang trọng, chỉ là món thông thường nhưng nhờ chế biến khéo léo theo kỹ thuật truyền lại nhiều đời mà trở thành ngon miệng đối với mọi người.

Kể ra Bình Thuận có nhiều món ăn đặc sản. Nhưng nhắc đến, người ta nhớ ngay món bánh tráng nướng quệt mắm ruốc ở khu vực Ngã ba Phan Rí Cửa (Tuy Phong) hay món bánh hỏi lòng heo ở chân cầu Xóm Lụa (thị trấn Phú Long)… Và nếu nói không ngoa, có lẽ cả nước, nhất là dân Sài Gòn sành ăn ngày trước, khi nói tới Phan Thiết là nhắc nhớ ngay tiệm cơm Hai Mọi nổi tiếng ở phường Đức Nghĩa. Chủ tiệm có cái tên gọi bình dân ấy trạc tuổi trung niên, đầu búi tó, thường chơi môn đá gà.

Ông không trực tiếp đứng bếp mà chỉ theo dõi chỉ đạo kỹ thuật nấu nướng. Tiệm ăn bày biện rất bình thường nhưng hai món ăn khắp nơi đều nghe tiếng, đó là canh chua và sườn xào chua ngọt. Tiệm ăn nào lại chẳng có mấy món này, nhưng hơn nhau ở chỗ món canh chua Hai Mọi cũng nấu cá dứa hoặc cá sữa, cá bóp với bạc hà, giá, me mà húp nghe thơm ngọt lạ thường; còn món sườn xào thì với nước sốt chua ngọt tuyệt vời đổ thấm lên thịt ăn không biết chán, đặc biệt sườn lại mềm có thể nhai rụm cả xương. Ngoài ra, còn mấy món ăn khác được nhiều người ưa thích như thịt bò bóp dấm, cá bao bột và cơm cháy tẩm mỡ…
  Your Ad Here

Đến đất Bình Thuận, ai cũng muốn thưởng thức món ăn đặc biệt có tên bánh căng thường thấy có mặt chỉ ở 3 vùng Tam Phan cũ (Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết). Chưa có thứ bánh bình dân nào được mọi người già trẻ, trai gái ưa thích như bánh này, rất giản dị mà độc đáo.

Trước tiên hãy nói về cách làm bánh. Chất liệu là gạo ngâm có bỏ thêm ít cơm nguội (để bánh được xốp) và xay thành bột lỏng. Lò bánh là một mặt tròn bằng đất nung; tùy lò nhỏ, lớn, trên mặt khuôn có 8 đến 12 lỗ đặt các chén đất nung rất dẹt; bên dưới đỏ hồng than hừng.

Mỗi lò do một phụ nữ lo việc đổ bánh, cạy bánh với đôi tay thuần thục, khéo léo. Bột múc đổ vào từng khuôn nhỏ rồi đậy nắp lại. Vài phút sau, mở nắp thử xem bánh chín, dùng miếng sắt nậy lấy bánh ra.

Mặt bánh úp mặt vào nhau thành cặp đem bày lên dĩa. Ăn bằng cách dầm bánh vào nước chấm làm bằng nước mắm ngon pha loãng với tỏi ớt giã nát có trộn xoài sống hay khế chua xắt nhỏ, và không quên đổ thêm vài muỗng mỡ nước cùng tốp mỡ. Cũng có người thích ăn bánh cùng với nước cá kho; còn bày vẽ thêm có trứng vịt luộc hay xíu mại. Lò bánh căng thường đông khách vào lúc sáng là khi được kéo ghế ngồi bên lò, vừa chờ cạy bánh nóng vừa gợi chuyện vui với ai yêu thích món bánh quê hương đó.

Một món ăn đặc sản khác của Bình Thuận được gần xa nhắc tới mỗi khi về tỉnh này, đó là món gỏi cá. Có nhiều kiểu ăn gỏi: khô, trộn và cá chan nước… Nhưng đã nói gỏi cá phải là món ăn làm bằng cá sống của các loại mai, trích, rựa, bóp, đối.
Người ta thường thưởng thức món gỏi sanh cầm với loại cá nhỏ có vảy còn tươi nhai với muối, cộng hành, trái ớt và thêm hớp rượu nồng; nhưng thứ gỏi này không phải ai cũng dễ ăn và thấy ngon.

Gỏi cá Bình Thuận ăn thích hơn ở chỗ cũng là cá sống nhưng được tái chín mà không phải qua lửa. Làm gỏi ngon hay không còn do biết chọn cá, bóp cá và pha chế nước chấm hoặc nấu nước lèo. Cá đồng có thể làm gỏi nhưng không bằng cá biển thuộc loại mình nhỏ trắng thịt, ngon nhất là cá mai. Cá làm gỏi được lọc bỏ xương, thịt cá đem rửa nhiều lần bằng nước ấm khoảng 40 – 50 độ hoặc ngâm bằng nước chua của phèn, dấm, chanh, me; sau đó đem rửa và để ráo nước, bóp thành vắt.

Gỏi cá có loại nước chấm đặc biệt của nó gồm nước mắm thật ngon với ớt, tỏi đâm nhuyễn bỏ vào cay thơm, chất chua thì bằng me chín, lại có vị béo ngọt nhờ vào kẹo đậu phộng cộng với chuối sứ chín giã nhỏ. Tất cả pha trộn trở thành thứ nước chấm không chê được khi bết thấm vào cá gỏi. Thêm nữa, hương vị của gỏi cá sẽ giảm mất nếu không có các loại rau thơm như diếp cá, húng lũi, đọt xoài, ngò tàu… Tất nhiên, muốn bữa gỏi cá được dậm đà, nhớ lâu, không thể thiếu chút rượu kèm theo; nhưng không nên mãi quá chén mà làm loãng mất hương vị gỏi cá.

Lại thêm món đặc sản thịt dông, một loại bò sát ở hang sinh sản tại vùng đồi cát trải dài dọc biển hàng trăm cây số. Con dông mình dài tính từ đầu đến mút đuôi khoảng 5 tấc, thân rộng cỡ bốn ngón tay; loại lớn gọi là dông thềm nặng trên nửa ký. Bắt dông không dễ, phải có kinh nghiệm, kỹ thuật lành nghề; bằng nhiều cách như bẫy, dò, câu, đào…

Người đào bắt giỏi từ sớm đến tối mới được chừng 20 con. Mùa dông bắt đầu từ tháng 5 âm lịch trở đi khi đã sa mưa, đến tháng 8, tháng 9 là cao điểm. Hình thù con dông trông có vẻ kỳ dị với các vằn đen đỏ dọc dài hai bên sống trắng ngon chẳng kém thịt gà, xương nhỏ lại giòn, rất dễ chế biến. Đơn giản nhất là đốt lửa nướng dông rồi xé từng mảnh thịt chấm muối ớt ăn tại chỗ là đủ ngon. Các món dông chế biến quen thuộc của người Bình Thuận gồm thịt dông bằm làm chả hoặc làm gỏi với lá lành ngạnh, lá cốc chua; thịt dông kho gừng ớt, dông nấu canh chua với lá me non hay bằm vo viên nấu với dưa hồng… Và không gì ngon hơn vào những ngày mưa dầm được thưởng thức món bánh xèo thịt dông đổ chảo.

Ở Bình Thuận, món ăn đặc sản từng vùng cũng được nhắc đến là vịt “thả dầm” ở Bắc Bình, ếch òn xào ở Hàm Thuận lúc bắt đầu mưa, ghẹ luộc chấm muối ớt ở các làng biển…

Du lịch, GO! - Theo Tongcuc Dulich, ảnh internet




Bánh Hỏi Phú Long: Đặc Sản Bình Thuận

23/06/2010, 03:00

Thật vậy, đến Bình Thuận nếu chưa thưởng thức bánh hỏi Phú Long thì chuyến du lịch xứ biển quả thật chưa trọn vẹn.


Đó là món ăn gồm: bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm. Bánh hỏi Phú Long mới nhìn qua tưởng đơn giản, nhưng chế biến cũng thật công phu. Để có được bánh hỏi bạn thưởng thức vừa ý, người làm bánh phải chọn thứ gạo tốt, làm ra từng con sợi trắng tinh, ráo hỏi. Lòng heo, nhất là bao tử phải sạch hết mùi hôi. Miếng dồi bắt mắt, dọn ra dậy mùi hấp dẫn, nhìn qua đã kích thích khẩu vị vô cùng.



Bánh hỏi lòng heo thường được dùng trong dịp cưới xin, tiệc tùng hoặc điểm tâm sáng. Khi ăn, cuốn bánh tráng với bánh hỏi lòng heo, kẹp rau sống ở giữa, rồi chấm nước mắm chanh đặc biệt. Hương vị lạ có chất béo ngọt của lòng heo, vị ngọt đượm tí chua của nước chấm quyện với rau sống, khiến người ăn thật khoái khẩu.


Bánh hỏi lòng heo xuất xứ từ xóm Lụa - Phú Long (nay là xã Hàm Nhơn huyện Hàm Thuận Bắc), là một trong những loại ẩm thực độc đáo của Bình Thuận, đã có lâu đời. Bí quyết chế biến được Cha truyền con nốí, ngày nay đã thành Lò sản xuất, chuyên cung cấp cho những tiệm ăn đặc sản trong vùng. Món ẩm thực này du khách có thể thưởng thức ngay trong thành phố biển.



Nhưng muốn ăn đúng hương vị quê hương phải đến Phú Long, cách Phan Thiết chừng 7 cây số. Nơi đây san sát gần 20 tiệm ăn nằm dọc hai bên đường quốc lộ 1A. Xe xuôi ngược Bắc Nam khi ngang qua vào mỗi sáng thường ít khi bỏ lỡ dịp thưởng thức. Còn vào ngày thứ bảy, chủ nhật, và các dịp lễ lớn, thực khách đến đây rất đông.



Chỉ cần khoảng vài ngàn đồng theo giá bình dân hay giá gấp đôi ở những tiệm sang hơn, thực khách sẽ được một phần ăn ngon lành. Nhưng dù có đi đâu về đâu nhiều người vẫn thích ghé tiệm ăn số 40 đường Trần Phú, Phan Thiết. Cái ngon đậm đà của bánh hỏi lòng heo phải kể đến nước chấm, nên đa số các tiệm ăn đều có bí quyết pha chế riêng để khẳng định tên tuổi của mình.


Mực một nắng Phan Thiết PDF. In Email
Thứ sáu, 04 Tháng 9 2009 07:30
Mực tươi nướng hay còn gọi là mực một nắng nướng, là món ăn đặc sản ngon nhất mà chỉ Bình Thuận mới có.

Du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến đây đều không thể bỏ qua món ăn đặc biệt này. Thưởng thức món mực tươi nướng, du khách sẽ cảm nhận được cái nắng, cái gió và vị mặn của biển Bình Thuận.

Khác với các loại mực khô thông thường, để có mực một nắng người ta phải chọn mực từ những con mực vừa mang từ biển về còn tươi rói, sau đó chỉ phơi duy nhất có một lần nắng. Việc phơi mực cũng thật kỳ công để làm sao thân ngoài con mực đã ráo hẳn nhưng bên trong thịt mực vẫn còn tươi rói và khi nướng, mực vẫn giữ được độ tươi, thịt trắng thơm và dẻo.

Mực gồm có rất nhiều loại: mực lá, mực ống, mực tuộc, mực ghim... nhưng chỉ có mực lá mới chế biến được món mực một nắng ngon. Vì thế, người câu mực luôn ưu tiên câu mực lá hơn là các loại mực khác. Trung bình, một con mực lá nặng từ 200 - 300gr, có con nặng đến 1kg. Giá cả tùy theo mực lớn bé. Người ta nướng mực một nắng kỹ trên lửa than liu riu và không để lửa già. Con mực có mầu trắng tinh, khi nướng chín chuyển sang màu vàng rất hấp dẫn. Với độ lửa nướng vừa phải, con mực sẽ chín, cả trong cả ngoài, bay tỏa mùi thơm ngọt ngọt tự nhiên ra xung quanh. Nếu để lửa già quá con mực sẽ chỉ cháy vàng phía bên ngoài, nhưng bên trong thịt của nó vẫn còn chưa chín.

Món mực một nắng thường không chấm với các loại nước chấm nào khác ngoài tương ớt, giống như mực khô nướng. Khi ăn miếng mực ngọt lịm, mềm mềm, thơm phức, hòa quyện với vị cay nồng của tương ớt thật ngon.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét