Chiêm ngưỡng loài ốc vòi voi chắc chắn bạn sẽ phải giật mình, sửng sốt bởi hình dáng kỳ lạ lẫn kích cỡ quá khổ của chúng. Nhưng khi thưởng thức, bạn sẽ lại phải giật mình một lần nữa vì loại ốc này thật sự ngon ngọt, giòn, dai ăn rất thú.
Địa chỉ nhà hàng, quán cafe, fasfood, món ăn ngon... tất cả có trong Ẩm thực 24H
Bước vào một nhà hàng khá sang trọng ở Thủ Đức (TP.HCM), đập vào mắt chúng tôi là bể chứa chừng 5-6 chú ốc khổng lồ với hình dáng lạ lẫm. Ốc rất to, nhỏ nhất cũng độ 1,5kg/con, vỏ ngoài màu trắng ngà, hai vỏ khép hờ. Nhô ra giữa hai lớp vỏ là chiếc xúc tu dài, to hình trụ, nhìn không khác nào một chiếc vòi voi thực thụ…
Ông chủ quán thấy cả nhóm xôn xao bàn tán bên bể ốc liền bắt chuyện và cho biết những chú ốc này có xuất xứ tận Canada. Dù đường sá xa xôi nhưng do được bảo quản tốt nên về Việt Nam, thả vào bể nước chúng lại tung tăng tới lui, thu hút sự chú ý của rất nhiều thực khách. Trăm nghe không bằng... ăn thử, chúng tôi quyết định... xơi ốc.
Một con ốc vòi voi với xúc tu "khủng"
Nguồn gốc loài ốc “hạng nặng”
Trong tự nhiên, loài ốc vòi voi khổng lồ này thường sống ở vùng biển mặn, nước sạch ở Canada và Tây Bắc nước Mỹ, chúng có thể sống tới… 160 năm. Nhiều con có vòi dài tới 1-2m, trọng lượng thường gặp độ 1,5-2,5kg nhưng cá biệt có con nặng tới 4-5kg. Loài ốc này tuy to nhưng rất hiền bởi suốt đời chỉ ẩn mình một chỗ dưới lớp cát sâu cả mét trong lòng đại dương để sinh trưởng.
Để bắt được chúng, người thợ có những dụng cụ chuyên biệt giúp phát hiện nơi ốc cư ngụ rồi lặn xuống để “tóm” ốc.
Những chú ốc vòi voi thư giãn trong bể chứa
"Ốc vòi voi Việt Nam"
Hầu hết ốc vòi voi khổng lồ có mặt ở nhà hàng tại Việt Nam được nuôi ở vùng ven biển Canada, Mỹ xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới. Thực tế, tại các vùng biển của nước ta như Hải Phòng, Quảng Ninh, đầm Nha Phu (Khánh Hòa)… cũng có loại ốc này (còn có tên là tu hài) nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều lần so với ốc vòi voi được nhập khẩu.
Món ngon các kiểu từ vòi voi
Tại Hàn Quốc, Nhật Bản vòi voi thường được dùng theo kiểu sashimi giúp giữ nguyên vẹn mùi vị tinh chất của ốc như ngọt, giòn lẫn cả chút vị tanh của biển cả trong vị cay nồng wasabi xông lên tận óc. Người Trung Quốc lại khoái khẩu các món xào cay. Tại Việt Nam, vòi voi hay được dùng theo kiểu wasabi, nướng hoặc nấu cháo. Một số nhà hàng còn có món vòi voi sốt X.O có mùi thơm rất lạ và quyến rũ.
Để có món sashimi ngon, khâu chế biến rất quan trọng. Cách làm cơ bản như sau: người đầu bếp tỉ mẩn rửa sạch ốc vòi voi, đem trần ốc qua nước sôi độ nửa phút giúp thịt ốc trở nên giòn, ngon. Sau đó khéo léo dùng dao nhọn rạch nhẹ nhàng theo chiều dài của chiếc vòi voi, cắt ra từng lát mỏng, bày ra đĩa cho đẹp mắt.
Các loại gia vị dùng kèm sashimi cũng là bí quyết tạo nên món ngon khác nhau của từng nhà hàng gồm củ kiệu, củ cải bào, khoai môn chiên, lá chanh, cà rốt xắt sợi, đậu phộng, mè rang, gừng, đầu cọng hành… hay các loại nước sốt được chế biến cầu kỳ.
Ốc vòi voi đã chế biến, thái lát để nướng hoặc nấu lẩu
Chiếc xúc tu vòi voi cũng có thể được tẩm ướp vừa ăn rồi đem nướng thơm phức tại bàn. Nhưng nướng sao cho ngon cũng là cả một nghệ thuật, lửa nướng già thì ốc trở nên khô, mất hết mùi vị, độ ngọt, lửa non thì mùi thơm món nướng chưa dậy sóng. Đặt từng lát thịt ốc lên vỉ nướng, chốc lát miếng thịt trắng ngà săn và se lại, vàng cháy cạnh, mùi thơm lan tỏa nghi ngút bốc lên khắp căn phòng kích thích bao tử thực khách.
Phần ruột ốc vòi voi (giữa hai lớp vỏ) so với xúc tu mềm hơn nên độ giòn kém cạnh nhưng độ ngọt lại nhỉnh hơn, nên thường được đem nấu lẩu, cháo ăn nóng với hành lá, giá sống, gừng thái lát mỏng. Bát cháo ngọt mát, nóng hôi hổi lại tỏa mùi thơm nưng nức khiến người ăn dẫu khó tính nhất cũng sẽ gật gù ưng ý.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét