Dừa không chỉ có ở Bến Tre, mà còn có ở một số tỉnh khác của Miền trung và Miền tây. Nhưng có lẽ dừa thích nghi, phát triển nhiều chủng loại và tốt tươi ở xứ ba dãy cù lao Bến Tre là nhiều nhất. Và cũng chẳng ai biết rõ dừa đến ở đây tự bao giờ. Có thể khẳng định Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất nước. Chắc vì vậy mà người dân Việt Nam lại nói "Thấy dừa thì nhớ Bến Tre". Cây dừa đã tồn tại rất lâu trên mãnh đất ba dãy cù lao và gắn bó với biết bao thế hệ sống nơi đây và cũng có lẽ từ nhiều câu chuyện, nhiều bài thơ đã được viết gắn liền người dân Bến Tre với cây dừa, vì thế hễ thấy cây dừa lại nhớ Bến Tre.
Dừa đã thiết thực gắn bó với cuộc sống, là vật liệu cho con người làm nhà che nắng, che mưa, nhất là cho những người đến vùng đất Bến Tre cư ngụ và lập nghiệp từ buổi đầu. Dừa là cái nôi cho trẻ thơ, là cái giương cho tuổi già yên giấc. Trong thực tế không chỉ có "cầu tre lắc lẽo", mà "cây cầu dừa" cũng đã bắc nối se duyên trai gái hay thắt chắt làm nên tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Dừa đã tạo nên cho con người sống trên đất ba dãy cù lao xứ dừa có những thâm tình, đôn hậu, chịu khó học hỏi, lại vừa dịu dàng, vừa thướt tha như "tóc dài bay trong gió", vừa mạnh mẽ như "nước lũ tràn về".
Dừa Bến Tre nó không chỉ bị hấp dẫn bởi hương vị ngọt, thơm của trái dừa, mà nó còn tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cây dừa để mọi người được chiêm ngưỡng. Từ xưa đến nay rất ít loại cây trồng nào có giá trị sử dụng như cây dừa, từ thân, cọng, bẹ dừa, lá… đều có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, làm ra nhiều loại sản phẩm cho người tiêu dùng và xuất khẩu.
Có thể nói cái gì dính dáng đến cây dừa, ngay cả những phế phẩm tưởng chừng như bỏ đi, nhưng khi qua sự khéo léo sáng tạo của con người, đã trở thành những sản phẩm rất có ích cho cuộc sống con người. Đặc biệt, với óc sáng tạo kết hợp với đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, hàng trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã được ra đời. Cây dừa là một loại cây trồng để ăn trái, do vậy khi dùng gỗ dừa làm hàng thủ công mỹ nghệ phải chọn cây dừa từ 40 - 50 năm tuổi trở lên mới có độ cứng đặc trưng và làm nên những hàng thủ công mỹ nghệ rất độc đáo, bắt mắt. Đặc biệt là xớ gỗ rất độc đáo mà các loại gỗ khác không có.
Sau khi gia công ở công đoạn tạo hình, phải tiếp tục xử lý ẩm, mối, mọt. Bằng công nghệ và vệ sinh cho phép hàng loạt sản phẩm được ra đời như vật dụng gia đình, đồ chơi trẻ em, quà lưu niệm. Một đặc trưng khác từ đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa, hầu hết những phế phẩm thu được từ cây dừa đều có thể tận dụng để sản xuất ra những món hàng lưu niệm, trang trí lạ mắt và mang nét đặc trưng riêng của Bến Tre. Như cọng lá dừa, vật liệu tưởng chừng như bỏ đi ấy, hay từ xưa chỉ dùng làm nhiên liệu nấu bếp của các chị em phụ nữ nông thôn Bến Tre, qua sáng tạo người dân đã tận dụng và tạo nên những giỏ bằng cọng dừa dùng để cắm hoa, tạo nên những giỏ hoa xinh xắn làm quà tặng trong những dịp lễ tết, hay trang trí tại những nơi trang trọng trong gia đình, nhà hàng, khách sạn,…. Chà dừa nơi những trái dừa được gắn liền với thân mẹ, sau khi làm tròn vai trò kết nối để nuôi sống những trái dừa, chà dừa sẽ được những người thợ phơi khô, sơn màu hoặc đánh dầu bóng, kết thành những giỏ hoa, lồng đèn trang trí thật lạ mắt.
Trái dừa Bến Tre trái nào có hình dáng đẹp thì làm mười hai con giáp, trái dừa xấu thì làm giò lan, tổ chim, trái dừa điếc cũng làm được biểu tượng trái bóng bầu dục và hình thù ngộ nghĩnh của ba chú khỉ dang tay “che mắt, che tai, che miệng” thể hiện triết lý phương Đông “việc xấu không nhìn, lời xấu không nghe, nói có hại cho người không nói”. Còn xơ dừa khi được tách ra từ vỏ của trái dừa, sau khi được làm sạch, se sợi sẽ được kết lại làm đủ các loại thảm hình thù con thú, con cá, không chỉ sử dụng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Gáo dừa ngoài việc sử dụng làm than hoạt tính, nhiên liệu, sau khi được xử lý, đánh bóng, cắt nhỏ tùy theo yêu cầu của sản phẩm, người thợ sẽ kết thành những túi xách xinh xắn cho chị em phụ nữ, kết hợp với gỗ dừa sẽ tạo thành những chiếc xe, chiếc thuyền và những món quà kỷ niệm xinh xinh khác.
Hiện tại chỉ tính gỗ dừa, gáo dừa đã có hơn năm trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo như: Bình trà, tách uống trà, nhạo rượu, ly uống rượu, chén, tô, đũa, dĩa, muỗng, nĩa, giá xúc cơm, sạn dùng cho chảo không dính, bình hoa, hộp đựng danh thiếp, hộp dựng nữ trang, hộp thuốc lá, gạt tàn, chân nến, xe xích lô, xe ô tô, dụng cụ matxa, đồi mồi, búp bê, cúp bóng đá, hồ lô, tôm, cua, gà, cá, ếch, cò, lồng đèn, giỏ xách,…. Mỗi mặt hàng có nhiều mẫu mã khác nhau phù hợp với nhiều đối tượng, với không gian, với môi trường. Mọi người ai cũng có thể mua để trang trí và sử dụng trong nhà bếp, bàn ăn đến phòng ngủ, phòng khách sang trọng; đồ chơi của em bé, đến trâm cài, lược chải tóc cho phụ nữ, cây gậy cho người già, từ trong nhà đến những nơi sang trọng. Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ cây dừa không chỉ sử dụng trong nước, mà đã vươn xa đến tay người tiêu dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Nhật,…thông qua hình thức xuất khẩu và du lịch.
Ở Bến Tre, chưa có tên riêng của Làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa, mà chỉ có tên Làng nghề Tiểu thủ công nghiệp ở xã Phước Long, Làng nghề đan giỏ cọng dừa ở xã Hưng Phong (Cồn Ốc), nhưng trong những làng nghề này đều sản xuất ra những mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, ở Bến Tre cũng có nhiều hộ gia đình tự sản xuất để bán hoặc làm vệ tinh cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các Công ty Xuất khẩu hàng thủ công.
Hàng thủ công mỹ nghệ ở Bến Tre còn được sản xuất ở khu du lịch Cồn Phụng (thuộc ấp Tân Vinh, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Vì vậy, khi đến tham quan Cồn Phụng, sau khi đã tìm hiểu về Đạo Dừa, du khách có thể tản bộ dọc trên tuyến đường nối dài từ đầu cồn đến cuối cồn. Trên đường đi, sẽ nhìn thấy các gian hàng lớn, nhỏ được bày trí hai bên đường với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây dừa rất độc đáo. Bên trong những ngôi nhà ấy là nơi những người dân sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để bán cho khách du lịch. Những sản phẩm chính ở Cồn Phụng là sản phẩm được làm từ thân dừa, gáo dừa. Đến đây, mọi người có thể tìm hiểu các khâu sản xuất để tạo nên sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm lưu niệm từ cây dừa.
Khác với Cồn Phụng, làng nghề ở Cồn Ốc thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, ngoài sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ thân cây dừa và gáo của trái dừa, làng nghề ở Cồn Ốc còn cho ra đời những sản phẩm được làm từ cọng lá dừa, chà của buồng dừa.
Có thể nói từ cây dừa của xứ Bến Tre, từ những phần chính cho đến cả những phần phụ của cây dừa, đã góp phần cho ra đời rất nhiều những sản phẩm làm từ dừa rất độc đáo, hấp dẫn. Những người thợ thủ công ở xứ dừa Bến Tre với đôi bàn tay khéo léo, cùng với đa dạng ý tưởng sáng tạo đã tạo nên phong phú những sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ có tính nghệ thuật cao. Những sản phẩm đó đã góp phần nâng cao giá trị toàn diện của cây dừa Bến Tre; làm phong phú và tô đẹp thêm nét đặc trưng văn hóa dừa trên đất Bến Tre. Hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa đã góp phần giới thiệu hình ảnh xứ dừa Bến Tre đến với bè bạn gần xa trong ngoài nước. Những sản phẩm đó không những chỉ làm đẹp cho đời, cho quê hương xứ dừa, mà cho cả đất nước Việt Nam và có mà còn có mặt nhiều nơi trên thế giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét