Những món ăn độc đáo chế biến từ dế |
54 tuổi, ông Tư Giờ- tên gọi thân thuộc mà người dân khu phố 14, Phú Thủy, Phan Thiết vẫn gọi ông Phan Văn Giờ- cảm thấy mình không còn nhanh nhẹn để điều khiển vô lăng, đành phải xin nghỉ việc. Thất nghiệp giữa lúc kinh tế gia đình khó khăn, khiến ông trăn trở rất nhiều. Những ngày loay hoay tìm việc thì tình cờ, ông Giờ xem được mô hình nuôi dế ở Củ Chi- thành phố Hồ Chí Minh trong chuyên mục Tạp chí Nông nghiệp của Đài Truyền hình Bình Thuận. Thấy mô hình hay, lại không cần nhiều vốn đầu tư ban đầu, hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình nên sau nhiều đêm suy nghĩ, vợ chồng ông quyết định nuôi dế. Thế là vợ chồng khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh, vào Bình Dương để học nghề… nuôi dế. Sau gần một tháng học hỏi kinh nghiệm, ông mua về một ổ giống và bắt đầu nghề chăn nuôi hoàn toàn lạ này. Từ ổ giống đầu tiên chỉ với 1.500 con dế bố mẹ, qua gần 1 năm vừa nuôi thịt vừa nhân giống, hiện tại, trại dế ông Giờ đã có hơn một triệu con dế thịt và giống.
Quy trình nuôi dế
Ông Tư Giờ kể say sưa với chúng tôi quy trình nuôi dế mà ông cho là đơn giản. Loại dế nuôi kinh tế nhất hiện nay là dế pha, hay còn gọi là dế than. Chuồng trại lớn nhỏ tùy lượng nuôi. Dế được nuôi trong các xô nhựa, cho thêm rơm, cỏ khô làm nơi trú ẩn. Thức ăn thì một phần dùng cám thực phẩm của gia súc và rau, cỏ tận dụng trong vườn. Khi dế đến tuổi đẻ thì buổi tối, cho vào tổ ít đất (tổ được đúc bằng xi măng, cỡ chén ăn cơm) là dế tự động chui vào đẻ trứng. Cứ cách một đêm là cho dế đẻ. Sau 12 ngày, trứng nở ra dế con. Thời gian nuôi dế thịt chỉ 2 tháng. Lợi thế của việc nuôi dế là chỉ cần mua giống một lần, sau đó tự nhân giống cho các lần nuôi kế tiếp. Dế đẻ rất dày. Một con dế thường đẻ trên dưới 10 lần với khoảng 500 trứng. Hết chu kỳ đẻ thì dùng bán thịt. Vừa nuôi thịt vừa nhân giống, số lượng dế trại ông Giờ liên tục tăng. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, ông cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Phan Thiết trên 80 kg dế thịt với giá 250 ngàn đồng/kg (700-800 con/kg). Ngoài ra, ông còn cung cấp giống cho nhiều nơi từ Đồng Nai, Vũng Tàu đến các địa phương trong tỉnh như Đức Linh, Tánh Linh, Tuy Phong, Hàm Tân. Giá cho một ổ giống dế bố mẹ là một triệu đồng/1.500 con. Bán giống, ông tận tình chỉ cách nuôi, ai cần giải đáp thắc mắc gì, cứ nhấc điện thoại Alô là ông sẵn sàng hướng dẫn, không giấu giếm.
Một quán nhậu thịt dế độc đáo
Những ngày đi học nghề nuôi dế, vợ chồng ông còn tranh thủ học lóm cả cách chế biến một số món ăn từ dế. Để rồi khi chăn nuôi ổn định, đầu tháng 8 này, ông Tư Giờ quyết định mở quán nhậu thịt dế, sau khi đã chế biến nhiều món dế đãi bạn bè, người thân để… trưng cầu ý kiến. Quán khai trương, dù địa thế không thuận lợi nhưng đã nhận được sự ủng hộ của rất đông khách hàng. Dân nhậu đến đây vì đồ nhấm lạ. Phụ nữ thì tò mò muốn thưởng thức những món lần đầu tiên có mặt ở Phan Thiết. Vị chua ngọt của gỏi dế hay vị mặn, cay của món dế rang muối ớt. Dân sành ăn thì thích dế chiên dòn, còn những người lần đầu tập ăn thì món dế tẩm bột được chú ý nhiều bởi bột đã che lấp con dế, không còn thấy ngại. Mười ngày mở quán, ông Giờ hết sức vui vì có thực khách quay lại quán đến 5 lần. Tính chuyện làm ăn, ông khẳng định sẽ học cách chế biến thêm nhiều món ăn từ dế để thu hút khách. Ông cũng đang tiến hành làm món rượu ngâm dế cho quán nhậu dế thêm phần độc đáo.
Điều lo lắng nhất của ông Tư Giờ hiện nay là mỗi ngày, trại ông chỉ bán được dưới 3kg thịt dế, không đủ cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn có nhu cầu, nhất là thời điểm các khu du lịch đông khách. Phải từ chối quá nhiều, ông rất sợ mất uy tín, mất khách hàng. Ông bảo giá như Phan Thiết có khoảng 10 hộ nuôi dế thì thị trường rộng lớn của vùng du lịch không bỏ phí. Ông mong muốn có thêm nhiều hộ nuôi dế để cùng chia sẻ kinh nghiệm, đáp ứng nguồn hàng cho các khu du lịch vốn rất cần nguồn thực phẩm lạ này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét