Xin nói ngay một điều rằng, người viết bài này không có ý gợi chuyện “nghêu, sò, ốc, hến” trong chèo hay tuồng cải lương, mà chỉ nói về con hến – một con cùng họ với nghêu, sò, ốc đâu đâu cũng có, đang sống trên sông rạch, trong đó có huyện Chợ Lách (Bến Tre). Nhưng không phải vì vậy mà con hến nơi nào cũng giống nhau.
Hến sông, hến rạch, hến cồn…
Đó là chỗ trú ngụ và lớn lên của con hến ở Chợ Lách. Ai chưa rõ điều này, thiết nghĩ cũng chưa hiểu tận tường về “tính tình” của con hến của vùng sông nước này.
Từ xưa đã có người để ý và nói: Ở Chợ Lách, hễ năm nào mà hến có nhiều, mập, trắng thì thời tiết năm đó không thuận cho mùa trái cây. Khó khăn về cây trái, nhưng bù lại có hến, nên người nghèo đỡ khổ, bớt chạy lo cho bữa ăn hàng ngày. Trời hại, rồi lại trời cho.
Hến vốn sinh ra từ rạch, lớn lên một tí là ra sông, khi “đủ lông, đủ cánh” là “leo lên cồn”. Lúc hến sống được bên cồn là rất mập, trắng lại tròn, nên rất ngon.
Món bánh xèo hến - một trong những đặc sản của Chợ Lách
Màu sắc của hến cũng vì vậy có khác nhau. Lúc ở rạch vỏ màu sáng, xuống sông có sậm hơn, đến khi lên cồn lại chuyển màu xanh óng ánh như màu thép. Khi vỏ hến chuyển sang hơi vàng đôi chút là thu hoạch. Lúc này vỏ mỏng mà ruột mập và trắng. Nói chung, “thì con gái” của hến là lúc “lên cồn”. Ăn hến ngon nhất là giai đoạn này, vì chẳng những giòn mà còn ngọt và thơm đến lạ lùng. Dân sành điệu thì đến cồn để bắt hến, cùng lắm là ở sông, chứ ít ai xuống rạch để mò hến. Vì hến lúc này còn nhỏ và không ngon.
Qua kinh nghiệm, nhưng chưa thấy ai lý giải có sức thuyết phục là vì sao con hến ở Chợ Lách ngon hơn không chỉ vì mau lớn hơn, mà còn ruột trắng hơn, mập hơn và ăn giòn hơn mỗi khi hến sống chung với ốc gạo. Thực tế hến ở cồn Cái Gà, xã Long Thới, cách không bao xa, nhưng thường nhỏ và không ngon bằng hến ở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình. Bởi vậy, dân trong tỉnh đến cồn Phú Đa gọi hến là “con nghêu nước ngọt” không phải là quá đáng.
Món ăn từ hến
Chỗ ở của hến Chợ Lách đã khác, còn món ăn chế biến từ hến lại càng phong phú. Phải nói trước hết là cháo hến. Cháo hến mà nấu với nước cốt dừa là hết chỗ chê. Nguyên liệu nấu cháo hến rất đơn giản, chủ yếu là gạo, dừa và hến. Gia vị gồm muối, tiêu, hành lá và hành tím phi dầu cho vàng, không cần đến bột ngọt hay đường, vì chất của hến đã rất ngọt.
Công đoạn đầu tiên là luộc hến. Luộc hến lấy ruột, đơn giản nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, phải biết cách, vì nếu không tuân thủ một vài thao tác thì ruột hến không trắng, không giòn mà còn dai. Muốn làm cho trắng và giòn, thì sau khi nước sôi là đổ hến vào, khi nước sôi bùng là ruột hến nổi lên, lấy vợt vớt ra đổ vào một cái thau nước lạnh, trong đó có ít muối. Người ta gọi khâu này là rửa ruột hến. Rửa xong vớt ra rổ để cho ráo nước. Có người nói, sở dĩ ruột hến trắng và giòn là do biến đổi đột ngột giữa hai trạng thái nóng và lạnh, cùng với một ít muối. Mẹo đơn giản, nhưng không để ý cũng khó mà biết.
Sau khi xử lý xong ruột hến, thì nước luộc hến cũng được giữ lại một phần, cùng với nước dảo của dừa đưa vào nồi để nấu cháo. Thấy gạo nhừ là để ruột hến vào cùng nước cốt dừa. Sau cùng là nêm nếm cho vừa ăn là tắt lửa.
Cháo hến đến đây chưa phải là xong, vì ăn cháo hến phải có rau. Rau ăn với cháo hến rất bình dân, chỉ là những thứ “hương đồng nội”, như thân cây chuối non, bắp chuối, rau thơm, tất cả xắt thành từng sợi nhỏ, trộn chung với giá. Bỏ chung vào tô cháo hay ăn riêng từng miếng là tùy thích, cách nào cũng ngon.
Món ăn thứ hai là gỏi cuốn hến. Nguyên liệu để làm món gỏi cuốn hến gồm bánh tráng, bún, dưa leo, rau thơm, hẹ, nếu có vài lát thịt heo ba rọi thì càng ngon. Khi các nguyên liệu đã chuẩn bị xong là tiến hành gói.
Gói gỏi cuốn cũng là một nghệ thuật. Gỏi cuốn ngon không chỉ vì chất lượng từ nguyên liệu, mà còn vì hình dáng của cuốn gỏi. Cuốn gỏi đẹp là phải gọn, cuốn rồi mà vẫn thấy cả hến, thịt, bún, rau, dưa và đừng quên là phải để vài cọng hẹ ló ra ngoài ở một đầu của cuốn gỏi. Đã như vậy mà ăn gỏi cuốn vẫn chưa ngon, vì nước chấm góp một phần không nhỏ cho độ ngon của gỏi cuốn. Ăn gỏi cuốn nói chung phải có một trong hai loại nước chấm. Nước chấm pha chế và tương xay. Nước chấm pha phải đủ các hương vị hòa quyện lại như cay của ớt, nồng của tỏi, chua của chanh, ngọt của đường, mặn của nước mắm ngon, lại có nước dừa càng làm cho cho nước chấm đậm đà hơn là pha với nước lã. Loại nước chấm thứ hai đơn giản hơn, được pha chế sẵn từ tương xay hòa chung với tương ớt.
Ăn gỏi cuốn hến gặp tiết trời nóng nực, mà nghiêm chỉnh, mang giày, bỏ áo trong quần, thắt cà vạt cũng không ngon. Ăn phải tự nhiên, nơi thoáng mát, dưới tàn cây, hay bên bờ ao, bờ sông càng tốt. Đặc biệt, ăn gỏi cuốn hến ở quán mà có người tiếp tân khéo đãi bôi thì lúc ấy ăn không chỉ để no, mà còn là thưởng thức đầy đủ về tình người, hoà quyện với những gì tinh túy nhất từ trời và đất.
Hến còn làm gỏi. Không phải gỏi cuốn mà dân dã gọi là gỏi rối. Gỏi rối làm từ hến, dưa leo, rau thơm, củ cải đỏ, củ cải trắng, trái su su, xoài sống,… tất cả xắt nhuyễn thành sợi, đem ra dĩa sau đó đưa lên địa phía trên có tỏi phi, đậu phọng. Cũng là một món ăn ngon, nhậu cũng được, ăn cơm cũng hấp dẫn.
Hến còn làm món cơm rang hến, hến xào giá hẹ, hến khèo sả ớt, canh chua hến, canh rau tập tàng, … Ối thôi! Quá nhiều món ăn từ hến. Du khách muốn một lần thưởng thức cho biết, xin đến UBND xã Phú Phụng (huyện Chợ Lách), gặp chị Hương Hội Phụ nữ xã, chị ấy sẽ cho ta một bữa ăn vừa ý sau một tour du lịch.
Hến sông, hến rạch, hến cồn.
Ba hến hợp lại dập dồn ai ơi!
Ba hến hợp lại dập dồn ai ơi!
Tác giả: Lê Quang Nhung
(Theo bentre.gov.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét