Với sự giới thiệu của bạn bè, nhóm bạn chúng tôi thiết kế một chuyến đi về miền tây, mà đối với tôi, con dân miền biển tận xứ miền trung xa xôi vào thành phố học tập và làm việc gần 10 năm mới có dịp thỏa chí ước mơ “ngao du sông nước”. Chọn lựa điểm đến cũng là vấn đề mà cả nhóm bàn luận, cuối cùng thực hiện dân chủ “bỏ phiếu” thì điểm đến Bến Tre chiếm trên 50%, thế là cả bọn làm ngay một chuyến đi, phần lớn chúng tôi đều thích khám phá, vì thế chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi không lạ lẫm, khó khăn gì cho mấy.
Liều mạng, chúng tôi book phòng tại khách sạn Hàm Luông. Đây là một khách sạn lớn nhất tại Bến Tre hiện nay, hình như là 3 sao, tọa lạc tại số 200C đường Hùng Vương và nằm bên bờ con sông Bến Tre. Qua tìm hiểu về tên của khách sạn này, được biết nó mang tên của một con sông lớn chảy trọn vẹn trên vùng đất Bến Tre đó là sông Hàm Luông.
Quan sát chúng tôi thấy mặt tiền khách sạn tiếp giáp với giao lộ lớn, đối diện là công viên bên bờ sông. Chúng tôi hỏi thăm hướng dẫn ở khách sạn này và được biết đây là công viên Hùng Vương và hay còn gọi là công viên tượng đài “Chiến thắng trên sông” hoặc tượng đài “Cởi sóng Hàm Luông nhận chìm hạm Mỹ”, để tưởng niệm những chiến công hiển hách, thần kỳ của những anh hùng đội đặc công thủy Bến Tre năm xưa đã nhận chìm hạm đội Mỹ trên dòng sông Hàm Luông. Người dân xứ dừa còn gọi đây là “Công viên Hoàng Lam”, bởi vì trong những trận đánh vang dội trên sông ở Bến Tre, Hoàng Lam là một trong những anh hùng đặc công thủy tiêu biểu nhất. Các bạn ở đây còn hát cho chúng tôi nghe bài hát “Mùa xuân thơm ngát hoa Anh hùng”, nội dung bài hát ca ngợi về người anh hùng này. Chúng tôi thích lắm, nhưng chỉ nhớ được vài câu thôi: “… Ơi nghe Hoàng Lam còn hát đâu đây, bài ca anh hùng bay đến tận ngàn mây, vượt ngàn hiểm nguy cỡi sóng Hàm Luông nhận chìm hạm Mỹ đem chiến công về tô đẹp mùa xuân…”.
Phải nhìn nhận rằng, vị trí và khung cảnh khách sạn này tuyệt vời, nằm bên bờ sông với không gian rộng rãi, thoáng mát, tạo cho chúng tôi một cảm giác thoải mái, vui vẻ, thích thú khi đến nơi đây.
Chúng tôi cùng rủ nhau lên trên sân thượng (tầng 4) để ngắm nhìn tứ phía của thành phố Bến Tre. Nhìn từ trên cao hướng ra sông rất đẹp, xa xa chúng tôi nhìn thấy thấp thoáng, ẩn hiện những thảm ngọn dừa xanh um. Tầng này còn bố trí làm quán café sân thượng, có kết nối wifi nên vừa uống nước, vừa thưởng thức cảnh đẹp, vừa lướt web thỏa thích.
Về đêm, nhìn cảnh một góc thành phố Bến Tre nổi bật dưới ánh đèn đường, nhìn về hướng sông thỉnh thoảng từng đợt tàu, thuyền qua lại, làm nhộn nhịp hẳn lên và tạo nên những cơn sóng tạt vào bờ. Vì là con dân của vùng biển, thường xuyên nhìn thấy những đợt sóng biển dâng lên, nên khi nhìn những đợt sóng của dòng sông Bến Tre chúng tôi thấy nó êm đềm, hiền hòa, dễ thương quá. Không khí của vùng sông nước có khác, thoải mái và dễ chịu vô cùng. Có lẽ chúng tôi sống ở thành phố văn minh, hiện đại, ồn ào nhiều năm liền, hôm nay được về nghỉ ngơi trọn vẹn tại thành phố của một tỉnh lẽ, nó yên ả, thanh bình, làm chúng tôi thanh thản, nhẹ nhõm cả người, quên cả những ngày cực nhọc vất vã đã qua và cũng là dịp cả bọn cùng vô tư “xả stress”.
Tại Bến Tre, chúng tôi tham gia “tour bình dân” miệt vườn - sông nước ven thành phố Bến Tre của lữ hành Hàm Luông. Rất dễ dàng khi lựa chọn điểm đến với giá tour vừa phải, đội ngũ hướng dẫn viên nhiệt tình, kết hợp với sự chuyên nghiệp trong tổ chức tour làm chúng tôi rất hài lòng. Ngoài việc đi chơi thưởng ngoạn bằng du thuyền trên sông Bến Tre và xuồng chèo len lỏi vào các con rạch nhỏ của vùng ven thành phố; được thưởng thức các loại trái cây thứ thiệt sản sinh trên vùng đất xứ dừa và các món ăn dân dã tại các điểm du lịch, chúng tôi thích thú vô cùng. Điều mà chúng tôi khá bất ngờ, đó là chúng tôi thưởng thức một số món ăn bình dị, nhưng rất ngon và hấp dẫn tại nhà hàng – khách sạn Hàm Luông như: Bông bí xào tỏi, cá lóc kho tộ, đặc biệt nhất là món canh chua cá bông lau với bông so đũa cực kỳ hấp dẫn…. Tính toán kỹ, thì giá ăn, nghỉ nơi đây cũng hợp lý, vừa túi tiền với bọn tôi, không đến đổi bị “chém, chặt” như một vài nơi khác.
Chọn điểm nghỉ tại đây quả là không uổng, bởi bách bộ chỉ vài trăm mét là đến tham quan được Bảo tàng, Trung tâm Thương mại. Thuận tiện nhất là được tản bộ trên công viên Hùng Vương, cũng là được ngắm con đường Hùng Vương có hàng cây xanh thẳng tấp tỏa bóng mát, có “Nhà hàng nổi” trên dòng sông Bến Tre. Cả bọn chúng tôi đều nhìn nhận con đường này đẹp không thua kém gì các con đường nổi tiếng ở Nha Trang hay thành phố Hồ Chí Minh. Cả nhóm thuê những chiếc xe đạp tại khách sạn Hàm Luông làm phương tiện tự khám phá thành phố Bến Tre, khá lý thú khi bắt gặp cảnh đẹp quanh hồ Trúc Giang. Bên cạnh hồ có tượng của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn, là vị anh hùng tiêu biểu cho lực lượng học sinh, sinh viên của đất Sài Gòn vào những năm 1950, mà chúng tôi được học trong thời phổ thông và trên giảng đường Đại học. Phải công nhận rằng cảnh quan hồ Trúc Giang nên thơ quá, những hàng cây cổ thụ hiên ngang vươn mình ra che mát cả một góc hồ. Điều mà cả bọn quan tâm và thích nhất là có 2 ngôi trường nằm bên bờ hồ này, điều mà ở xứ sở của cả bọn chúng tôi không bao giờ có được. Thích khám phá, cả bọn lại gần và biết được đây là Trường PTTH chuyên Bến Tre. Chà! Đây là ngôi trường “đáng gờm” vì có nhiều “sĩ tử” vang danh đứng đầu cả nước trong các kỳ thi Quốc gia đây. Cả bọn chúng tôi đều có chung suy nghĩ, các bạn Bến Tre giỏi chắc cũng một phần do vị trí ngôi trường nằm ở nơi đẹp, thoáng mát, thuận lợi… đây. Kế bên Trường Chuyên Bến Tre là trường THCS Bến Tre.
Tiếp đến cả nhóm đến công viên tượng đài Đồng Khởi, sau đó theo Đại lộ Đồng Khởi, qua ba vòng xoay chúng tôi hướng về con đường mà người dân xứ dừa gọi đó là đường tránh Quốc lộ 60. Con đường này khá đẹp và đông vui, hai bên đường ở đây hình thành nên làng hay khu “ăn, uống” gì ấy, chúng tôi thấy nhộn nhịp quá. Phải chi “bao tử” còn sức chứa hay ở lại đây thêm một tối nữa, chúng tôi sẽ thâm nhập để thưởng thức cho đã những gì mình yêu thích.
Thu dọn hành lý, ngủ một giấc say nồng, 6 giờ sáng hôm sau trả phòng, chia tay khách sạn Hàm Luông, từ giã Bến Tre, chúng tôi trở về nơi làm việc, trên đường về cả bọn đều hy vọng sẽ trở lại nơi đây lần nữa và sẽ khám phá những điều tuyệt vời hơn./.
Bài cảm nhận của Tâm Thanh
Mail: tamthanhvuive@gmail.com
Mail: tamthanhvuive@gmail.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét