Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Về xứ dừa - Đến làng nghề khám phá các đặc sản nổi tiếng

Từ xưa đến nay Bến Tre như là địa điểm quen thuộc của những ai đã từng đặt chân đến đây. Bởi cái vị mộc mạc, chân tình của người dân “xứ dừa” đã làm nên mối dây liên kết không thể tách rời giữa người bản địa và du khách. Cứ mỗi lần về xứ dừa, du khách sẽ được tận mắt cảm nhận những “cái nhất” được truyền từ đời nay sang đời khác, mà đến nay người dân Bến Tre vẫn còn lưu giữ và gần như đã trở thành món ăn tinh thần, rồi trở thành “làng nghề” tự lúc nào mà chẳng ai nhớ rõ thời điểm sự ra đời của nó.

Làng nghề truyền thống ở Bến Tre ra đời gắn liền với thời gian, tồn tại và phát triển đã tạo nên sự giao thoa mãnh liệt giữa quá khứ - hiện tại. Qua đó, thúc đẩy một diện mạo mới cho những người có tâm huyết với nghề, đặc biệt là những nghề truyền thống đã góp phần làm nên những sản phẩm nổi tiếng của địa phương. Các làng nghề được phân bố đều tại các huyện, thành phố Bến Tre dựa trên những đặc điểm vốn có của từng địa phương, được nhân rộng ra, nhưng vẫn giữ được nét nguyên thủy ban đầu vốn có của nó. 

Hiện nay, du khách đến Bến Tre có thể tham quan khám phá một số làng nghề tiêu biểu như:
Làng nghề sản xuất kẹo dừa Bến Tre

Kẹo dừa Bến Tre vừa là một đặc sản nổi tiếng của cả nước. Nó là một nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa của xứ sở dừa. Không đơn thuần mà khi nhắc đến Bến Tre du khách không thể nào quên được “kẹo dừa” vừa ngon, vừa béo, vừa thơm, mà đi đâu ai cũng nhắc đến và cũng không nơi nào làm giống được. Kẹo dừa có nguồn gốc từ Mỏ Cày, vì thế mà ca dao Bến Tre đã lưu truyền: 
“ Bến Tre nước ngọt sông dài
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan...”
Ngày xưa, người Bến Tre làm kẹo dừa để ăn trong gia đình hay để biếu bè bạn, người thân trong những dịp lễ, tết. Sau đó, nghệ thuật làm kẹo dừa đã không ngừng được cải tiến và đã trở thành một sản phẩm truyền thống đặc biệt của Bến Tre. Muốn làm kẹo ngon, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Thóc nếp dùng để nấu mạch nha phải là nếp tốt, hạt to chín đều. Để nẩy mầm thóc phải được tưới bằng nước mưa sạch rồi đem nấu lấy mạch nha. Thợ nấu mạch nha phải là thợ lành nghề điêu luyện. Dừa khô lựa trái "rám vàng" mới vừa hái xuống. Vì trái dừa mới bắt đầu khô này có hương vị đặc trưng, nước cốt có độ ngọt thanh. Đường nấu kẹo phải chọn loại đường mới, có màu vàng tươi. Ngày nay, người Bến Tre đã cải tiến làm thêm nhiều loại kẹo dừa có kết hợp với các nguyên liệu khác làm cho kẹo dừa Bến Tre ngày càng phong phú và ngon hơn như: cho thêm hương vị sầu riêng, đậu phộng, thậm chí cả ca cao vào kẹo. Đây là hiện tượng giao lưu và tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật ẩm thực rất sáng tạo của người Bến Tre, để đáp ứng sở thích của nhiều đối tượng khách hàng, để có thể mở rộng thị trường.

Sau này do nhu cầu và điều kiện phát triển kinh tế, việc sản xuất kẹo dừa đã được mở rộng ra ngoài huyện Mỏ Cày và hình thành nên làng nghề sản xuất kẹo dừa ở phường 7 – thành phố Bến Tre. Đây là điểm đến cho du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm.

Từ vòng xoay Tân Thành, du khách đi thẳng theo Đại lộ  Đồng Khởi để vào trung tâm thành phố Bến Tre. Đến vòng xoay chợ  Bến Tre du khách rẽ phải qua đường Cách mạng Tháng Tám, sau đó đến vòng xoay chợ ngã năm, đi theo đường Nguyễn Văn Tư đến  phường 7 tham quan làng nghề làm kẹo dừa. Ngoài ra, nếu du khách không vào trung tâm thì rẽ vào đường tránh QL 60, ngay vòng xoay cầu Hàm Luông, hướng lên cầu Bến Tre 2 - đến vòng xoay Bình Phú, du khách rẽ phải là đến trung tâm làng nghề “Kẹo dừa Bến Tre”. 
Có thể nói kẹo dừa luôn gắn bó với cuộc hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực, du lịch ở vùng đất xứ dừa. Vì thế, mà khi du khách đến Bến Tre hình như ai cũng tìm mua kẹo dừa về làm quà cho gia đình, người thân, bè bạn.

Tại các điểm du lịch sinh thái Châu Thành, thành phố Bến Tre, có tổ chức các điểm sản xuất kẹo dừa truyền thống, để du khách tận mắt chứng kiến, cũng như trực tiếp tham gia vào quy trình làm ra sản phẩm kẹo dừa. Qua đó, du khách trải nghiệm và cảm nhận những tâm tư, tình cảm của người dân vùng sông nước xứ dừa.
Làng nghề sản xuất “Bánh tráng Mỹ Lồng”- “Bánh Phồng  Sơn Đốc”
và “Bánh phồng Phú Ngãi”
Từ thành phố Bến Tre du khách theo đường tỉnh 885 khoảng 7km là tới làng nghề làm “bánh tráng Mỹ Lồng”. Làng nghề này, nằm ở xã Mỹ Thạnh –Giồng Trôm, sản phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Có thể nói, đây là sản phẩm có tiếng cả trong lẫn ngoài tỉnh. “Bánh tráng Mỹ Lồng” có nhiều hương vị khác nhau, để du khách có thể lựa chọn như: Bánh tráng béo nước cốt dừa (loại ngọt, mặn); bánh tráng béo dừa có thêm sữa; trứng gà hay bánh tráng sữa không dừa. Tuy nhiên, loại bánh tráng ngon nhất, được ưa chuộng nhất vẫn là bánh có dừa (loại này vừa béo, vừa xốp). Khi đặt bánh lên lò lửa than nướng, bánh vừa vàng tới đã tỏa mùi hương thơm béo béo, rất hấp dẫn.
Trải qua bao thăng trầm, tâm huyết nghề truyền thống, kết hợp với sự khéo léo từ những bàn tay của người thợ ngày nay ở làng nghề đã sáng tạo thêm  loại bánh tráng nem (hay còn gọi bánh tráng cuốn), vừa mỏng, vừa dai, vừa tay cuốn. Loại bánh tráng nem này, hiện có mặt ở rất nhiều nhà hàng sang trọng chốn thị thành.
Từ điểm làng nghề “Bánh tráng Mỹ Lồng”, du khách tiếp tục đi theo tuyến đường này khoảng 15km. Đến ngã ba Sơn Đốc, có bày bán thật nhiều dừa xiêm và bánh phồng nếp, rẽ phải gần 1km du khách đến làng nghề “Bánh phồng Sơn Ðốc”. Làng nghề này, nằm tại chợ Sơn Đốc, thuộc xã Hưng Nhượng – huyện Giồng Trôm, chợ tuy nhỏ nhưng khang trang nằm lọt thỏm giữa rừng dừa xanh mát và những ngôi nhà tường mới xây lợp mái ngói, đã chứng tỏ sự hưng thịnh của làng nghề “Bánh phồng Sơn Ðốc”.

Là vùng làm bánh có tiếng từ lâu và nhờ có tiếng tăm như thế, nên bánh phồng được lấy tên bởi chính địa danh nơi làm bánh. Theo người làm bánh, thì bánh phồng làm công phu hơn bánh tráng. Nguyên liệu làm từ nếp nhưng phải nấu thành xôi, cho vào cối "quết" nhuyễn cùng với các phụ liệu khác; rồi mới bắt bột vo tròn lại, cán mỏng đem phơi. Cũng như bánh tráng, phơi bánh phồng là một kỳ công, nắng vừa phải, nếu nắng quá bánh sẽ chai, gặp mưa xuống bánh bị hư. Vào làng nghề quết bánh phồng mỗi sáng, du khách nhìn thấy và sẽ nghe tiếng chày thậm thịch, rộn rã khác thường. Bình thường mỗi lò quết khoảng 30 – 40 lít nếp mỗi ngày. Cao điểm nhất là vào dịp Tết, có khi đến 200 lít.
Ở xã Phú Ngãi - Ba Tri cũng có một làng nghề làm bánh phồng rất có tiếng. Nếu du khách muốn tham quan, cũng tuyến đường tỉnh 885 này đến thẳng thị trấn Ba Tri. Sau đó tiếp tục đi khoảng 7 km nữa là đến làng nghề “Bánh phồng Phú Ngãi”. Mặc dù cũng làm bánh phồng như làng nghề ở Sơn Đốc, nhưng với bí quyết riêng nên bánh ở đây cũng ngon không kém gì nơi khác.

Theo truyền thống của người dân xứ dừa, khi thưởng thức được chiếc bánh tráng, bánh phồng, đều phải dùng lửa than để nướng. Người ta dùng vỏ dừa khô hoặc gáo dừa đốt thành than đỏ rực, rồi để bánh lên cập nướng. Bánh nướng phải trở qua, trở lại, liên tục thì bánh mới nở bung ra, vàng đều, ăn mới giòn và ngon. Mỗi khi tết đến, tiết trời se se lạnh, nhất là vào buổi sáng và tối, hình như gia đình nào ở làng quê xứ dừa cũng chuẩn bị cho nhà mình vài chục bánh tráng, vài chục bánh phồng. Rồi mọi người đều thích quây quần bên bếp lửa đỏ để nướng bánh, để thưởng thức, để được sưởi ấm. Rộn rã, lộn xộn nhất là sự chen chút dành chổ ngồi quanh bếp lửa vẫn là các cháu nhỏ tuổi bí bô, tuổi cấp sách đến trường, để được ông, Bà hay cha, mẹ, anh, chị cho những miếng bánh vừa mới nướng xong. Nhìn những gương mặt ngồi quanh bếp lửa, xem nướng bánh, hình như ai cũng có đôi gò má ửng hồng hây hây rất đáng yêu.

 Ngày nay, do sự hối hả, tất bật của cuộc sống, do nhu cầu thưởng thức bánh ngày càng nhiều, nên người dân xứ dừa đã làm lò nướng được một lúc với số lượng rất nhiều bánh. Du khách có thể bắt gặp và dễ dàng mua các loại bánh tráng, bánh phồng nướng sẵn rất xốp, giòn, rất thơm ngon tại các điểm nằm dọc trên đường đến làng nghề nầy. Nếu du khách mua bánh mang về thì có thể nướng được trên bếp gas hay lò nướng bằng điện hoặc có thể cắt nhỏ ra dùng dầu, mỡ chiên như bánh phồng tôm.

Có thể nói, nghề quết bánh phồng rất kỳ công, vất vả hơn so với nghề làm bánh tráng, ngay cả từ khâu nguyên liệu đến các công đoạn để làm ra sản phẩm.

Để trải nghiệm quy trình làm nên sản phẩm bánh tráng, bánh phồng, tại các điểm du lịch sinh thái Châu Thành có tổ chức các điểm làm bánh tráng, bánh phồng truyền thống, để du khách có thể tham quan và trực tiếp tham gia làm bánh.  
Làng nghề sản xuất rượu nếp Phú Lễ
Ở Đồng bằng Sông Cửu long giới “ẩm giả” sành điệu xưa nay vẫn xếp rượu Phú Lễ (Bến Tre) vào hàng “danh tửu” cùng với rượu Gò Đen (Long An), Xuân Thạnh (Trà Vinh). Làng nghề nấu rượu đế này đã tồn tại rất lâu đời tại xã Phú Lễ - Ba Tri. Rượu Phú Lễ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến bởi sản phẩm rất thơm ngon, tinh khiết, chất lượng ổn định, không gây độc hại và hợp khẩu vị của người tiêu dùng.

“Rượu Phú Lễ” không biết có tự bao đời, chỉ biết tư liệu sách sử ghi lại vào năm 1851 Đình Phú Lễ tại làng Phú Lễ - Ba Tri được vua Tự Đức sắc phong, trong nghi thức đón nhận sắc phong “Rượu Lễ” đóng vai trò quan trọng. Nguyên liệu dùng để nấu rượu này là loại nếp mùa dài ngày ngon nhất, được đích thân trưởng lão trong làng chọn  36 vị thuốc theo liều lượng thích hợp, các vị thuốc đó là: trần bì, quế khâu, đinh hương, tất phát, đại hồi, sa nhân, tiểu hồi, lương cương, càng cương, bạch khấu, ngọc khấu, mai hoàng, hậu phát, thảo quả, quế chi, trạch lan, xích thước, hồng hoa, linh cừ, mật nang, tạo giác, cam thảo, son tàu, cam thảo nam, thiên niên kiện, cát cánh, bồ kết, hương truật, nhãn lòng, trầu lương, rau răm, lá nhãn, ngũ vị, tai vị, tiêu sọ, mồng tưới. Các vị thuốc này được xay nhuyễn, trộn bột gạo lứt, nhồi chung với cám, vo thành viên rồi phơi khô tạo thành một loại men đặc biệt gọi là hồ men.
Cũng từ tư liệu sách sử ghi lại và lưu truyền qua lời kể của các hộ dân có truyền thống nấu rượu lâu đời nơi đây, thì qui trình làm rượu Phú Lễ rất công phu. Nếp nấu chín rồi rắc trộn với men này, cho vào tĩnh ủ kín. Sau 07 ngày - 07 đêm mới đưa vào diệm kháp. Lửa đun phải dùng chính vỏ trấu của nếp mùa, ngọn lửa phải đằm không lớn, không nhỏ thì rượu mới không bị đắng không bị “thét”. Rượu ra lò chưa dùng ngay mà phải hạ thổ (chôn xuống đất) 100 ngày, để hấp thụ âm dương của trời đất cho rượu thật “nhuần”. Đến ngày khai rượu, Trưởng Lão chay tịnh sạch sẽ, lấy rượu hạ thổ đặt vào nơi trang trọng nhất. Nhờ vậy mà rượu Phú Lễ có được hương vị thật thanh tao, diễm tuyệt. Rượu Lễ này được chuyển về kinh dâng Vua, được ngài khen tặng và đặt tên rượu theo tên làng là “Rượu Phú Lễ”.
Trải qua bao thăng trầm, vượt qua bao thử thách, bền bỉ tạo dựng, rượu Phú Lễ vẫn được người dân Phú Lễ làm công phu như thế, để giữ bằng được chất lượng của loại rượu danh tiếng này. Vì thế, mà hương vị rượu Phú Lễ ngày càng thanh tao diễm tuyệt hơn. Điểm đặc biệt nhất trong quy trình kháp rượu Phú Lễ người dân sử dụng cùng lúc hai loại men để lên cơm da. Loại thứ nhất (men Phú Lễ) làm từ gạo lức và một số vị thuốc bắc để lên cơm da. Loại thứ hai (hồ men Phú Lễ) cũng từ gạo lức và có đến 36 vị thuốc dùng để tạo hương vị đặc trưng riêng cho rượu. Như vậy, nghề nấu rượu đế ở xã Phú Lễ đã có từ lâu đời và đã trở thành một làng nghề truyền thống của địa phương.

Đến Bến Tre, khám phá và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống làm nên những đặc sản nổi tiếng của Bến Tre; đón nhận những tình cảm mến khách và nét đôn hậu, mộc mạc của đất và người dân vùng sông nước xứ dừa. Du khách sẽ rất thú vị không thể nào quên và rồi du khách sẽ trở lại tiếp tục khám phá các làng nghề khác nơi đây./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét