Làng nghề được xem một môi trường văn hóa, kinh tế, xã hội và công nghệ thủ công truyền thống lâu đời mang đậm nét dân gian, cũng như chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Chính môi trường làng nghề đã bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật, kỹ thuật được truyền từ đời nay sang đời khác. Làng nghề phát triển không chỉ giải quyết việc làm cho nông thôn, mà còn góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống, tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn, góp phần làm phong phú thêm truyền thống văn hóa và làm giàu trên quê hương mình.
Bến Tre nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu long, là một tiểu vùng hội tụ, giao thoa văn hóa quan trọng của 4 dân tộc Việt - Chăm – Hoa – Khơme. Do vậy, mà làng nghề nông nghiệp, nông thôn ở đây ra đời và gắn liền với phong tục, đời sống văn hóa, cũng thể hiện đầy đủ bản sắc thiên nhiên, đa dạng các sản phẩm vật chất lẫn tinh thần, góp phần tạo nên bức chân dung bình dị, nhưng sống động. Đến xứ dừa, du khách sẽ thú vị khi khám phá một số làng nghề nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu như:
* Làng nghề cây giống và hoa kiểng
Nằm dọc theo con sông Cổ Chiên hiền hòa được phù sa bồi đắp quanh năm, thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Chợ Lách phù sa màu mỡ, thuận lợi cho việc phát triển cây trồng tươi tốt quanh năm và trái ngọt bốn mùa. Chợ Lách nằm ở phần đất hẹp nhất ở phía trên cùng của vùng đất cù lao Minh, nhưng rất thuận lợi về giao thông đường thủy lẫn đường bộ, nên từ ngàn xưa đã thu hút đông đảo người dân hội tụ về nơi đây an cư lạc nghiệp, để tạo dựng nên những vườn cây xanh trái ngọt, cũng như sản xuất cây giống và hoa kiểng nổi tiếng cả khu vực ĐBSCL. Chính vì lẽ đó, mà khách thập phương ví Chợ Lách là xứ sở của “Vương quốc cây trái và hoa kiểng” của cả vùng Nam Bộ.
Đã từ lâu, người dân nơi đây đã biết sáng tạo ra nghề chiết cây, ghép cành, lai tạo và nhân giống cây ăn quả, nghề này trở thành nghề cha truyền con nối và đòi hỏi ngoài sự tỉ mỉ, kinh nghiệm trồng cây, canh thời vụ, còn phải có kiến thức khoa học nhất định để cho ra đời những giống cây mới, cho năng suất và chất lượng cây ăn quả cao hơn.
Đi đến đâu du khách cũng đều bắt gặp được những hình ảnh thân thương, chăm chỉ, tất bật, khẩn trương của người dân Chợ Lách hiền hòa, thân thiện, kết hợp với sự khéo tay của họ đã tạo ra những tác phẩm bằng cây kiểng rất điệu nghệ, mà mọi người ví những người làm kiểng là “Nghệ nhân miệt vườn”. Người nghệ nhân khi muốn cho ra đời một tác phẩm, phải có ý tưởng, phải trải qua nhiều công đoạn, mà theo người xưa khi uốn kiểng phải chăm chút trong từng động tác một và hòa mình vào trong tác phẩm đó, thì mới khắc họa được nhiều chi tiết sống động, có hồn, với mong muốn góp thêm thật nhiều hương sắc cho cuộc sống, thì tác phẩm của mình mới gọi là hoàn thiện.
Mảnh đất màu mở này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nơi đây phát triển nên làng nghề cây giống và hoa kiểng. Đến đây, du khách sẽ mặc sức khám phá bộ sản phẩm độc đáo là hoa kiểng hình thú, trong đó nổi lên bộ hình thú 12 con giáp. Nhiều du khách phương xa rất ấn tượng trước phong cách riêng trên loại hình kiểng thú này. Mặc dù cây cảnh sử dụng để làm vẫn là cây si, nhưng với đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã dày công sáng tạo, tạo nên giá trị mới trên từng đường nét nghệ thuật của tác phẩm. Xem bộ kiểng thú, mỗi người đều có thể hình dung ra được con vật đó. Tết năm nào thì sản phẩm con đó được tập trung làm nhiều hơn để bán. Ngoài cây si ra, người ta vẫn có thể sử dụng các loại cây khác để uốn kiểng thú như: bùm sụm, mai trắng, tắc,…. Điều quan trọng chính là nghệ thuật tạo hình, có nghĩa là người làm phải hình dung ra được hình dáng của con vật, sau đó tạo nên điểm uốn phải thật sắc, thật sống động và có hồn. Những “Nghệ nhân miệt vườn” làm nghề này cho biết đến giờ hầu như chưa có sách vở, chưa có thầy dạy, chỉ là làm rồi rút kinh nghiệm, nghề lại dạy nghề. Ngoài bộ kiểng thú 12 con giáp ra, còn có một số tác phẩm khác như: Chai sâm banh, bộ cốc ly, bình hoa… hay dùng trong trang trí trước cổng ra vào rất đẹp mắt. Hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc được xem là “đỉnh điểm” của nghề cây cảnh và hoa kiểng. Nếu du khách đến xứ dừa vào mùa này, thì mới cảm nhận hết được cái “nhất” của vùng Chợ Lách. Nhất là dọc hai bên đường cây cảnh, hoa kiểng được trưng bày dày đặc và kết hợp với sự hối hả, tất bật của những ngày tết đến, tạo nên sự mê hoặc kỳ lạ, mà chỉ những ai đặt chân đến đây mới có thể cảm nhận hết được.
Hiện nay, nói đến Chợ Lách hay địa danh Cái Mơn (Vĩnh Thành), đã trở thành địa chỉ quen thuộc và trở thành nơi cung cấp cây giống do người dân tự chiết cành, lai tạo lớn nhất Việt Nam và là xứ sở vườn cây trái ngon nổi tiếng như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon… và các loại cây trái khác. Đặc biệt, là trung tâm sản xuất các loại cây cảnh, hoa kiểng, từ những loại cây ngắn ngày đến các loại cây cổ thụ lâu năm, rất được ưa chuộng tại thị trường trong nước và nhiều nước như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, …. Hiện tại, Chợ Lách có 17 làng nghề cây giống và hoa kiểng được công nhận, phần lớn đều tập trung tại xã Vĩnh Thành, một vài ấp ở xã Phú Sơn và Vĩnh Hòa. Các xã còn lại của Chợ Lách cũng có nhiều hộ sản xuất cây giống, hoa kiểng, vườn cây ăn trái thứ thiệt, chất lượng, đủ sức cho du khách đến tham quan khám phá.
* Làng nghề muối Bảo Thạnh – Ba Tri
Bến Tre có 65 km bờ biển, nằm ở 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Vì thế mà làng nghề nông nghiệp, nông thôn ở đây cũng phát triển khá phong phú. Đến Bến Tre, du khách không thể bỏ qua làng nghề truyền thống sản xuất muối ở Bảo Thạnh, Ba Tri. Người ta thường gọi những người làm nghề này với tên gọi là “diêm dân”, bởi cái nghề này luôn “bán mặt cho đất và bán lưng cho trời”, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Làm nghề muối rất vất và chỉ làm được vào mùa khô, mùa mưa thì không làm được. Theo như nhiều người từng trụ lại lâu năm với nghề làm muối, thì xã Bảo Thạnh bắt đầu làm muối từ trước những năm 30 của thế kỷ XIX, đây là nghề cha truyền con nối từ đời này sang đời khác. Đối với nghề này không cần phải có vốn nhiều nhưng đòi hỏi phải có công lao động đông, cùng những công cụ thông thường như: ống lăn, bồ cào, trang….Cách làm muối nhìn đơn giản nhưng chẳng dễ chút nào, làm phải làm từng công đoạn như: Ban đầu phải đắp bờ, làm bằng phẳng nền ruộng như một cái khuôn, rồi phơi khuôn, lấy nước vào khuôn, chuyền nước qua lại các khuôn cho phù hợp, rồi rắc muối giống và sau cùng là thu hoạch.
* Làng nghề cá khô An Thủy – Ba Tri
Làng nghề được nằm ven biển hình thành hơn nửa thế kỷ. Do đây là nghề thủ công bằng tay, nên hoạt động chủ yếu hiện nay đều tập trung vào hộ gia đình. Nghề cá khô phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, ngày nắng gắt thì đạt năng suất cao, còn những ngày vào mùa mưa thì không thể làm được, mà nếu có làm thì phải sấy trong nhà. Địa chỉ Tiệm Tôm – xã An Thủy –Ba Tri có thể được xem là thánh địa của nghề này. Cứ mỗi chuyến đánh bắt về là người dân nơi đây bắt tay vào làm. Vì làm cá khô đòi hỏi cá phải còn tươi mới cho ra sản phẩm chất lượng và điều quan trọng là phải kịp con nắng trong ngày.
* Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng – Bình Đại
Làng cá Bình Thắng (Bình Đại) có từ trước năm 1950. Nghề đánh bắt cá xuất hiện đầu tiên ở xóm ghe Tư Thôn (nay thuộc ấp 3 của xã). Hiện nay, làng cá Bình Thắng không ngừng phát triển và tiến đến thiết lập nên thương hiệu. Nghề đánh bắt cá, chế biến thành cá khô ở đây ngày nay trở thành nghề truyền thống, tập trung ở các ấp: 2, 3, 4 và 5. Sản lượng tiêu thụ rộng trên thị trường ngoài tỉnh rất nhiều. Nghề chế biến cá khô ở Bình Thắng (Bình Đại) cũng giống như cách chế biến cá khô ở An Thủy. Bình Thắng còn là cái nôi, là trung tâm tổ chức Lễ hội Nghinh Ông lớn nhất hàng năm, không những của huyện Bình Đại mà còn là của tỉnh Bến Tre.
Đến với các làng nghề ở Bến Tre, du khách sẽ được trải mình và khám phá thêm những cái hay của chính vùng đất xứ dừa tạo nên, sẽ làm du khách không khỏi ngạc nhiên và hài lòng./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét